Tiểu sử và sự nghiệp Phạm Hồng Phước

Sự nghiệp âm nhạc

Hồi đầu tôi rất quan tâm số lượng người nghe trên mạng, bao nhiêu lượt nghe, lượt share. Nhưng giờ tôi nhận ra nó đúng như tên gọi mạng online, tức là đó chỉ là ảo thôi, cái quan trọng là khi bước lên sân khấu, người ta giới thiệu ca khúc và tên Phạm Hồng Phước, khán giả phản ứng thế nào mới là quan trọng [...] Vì mình coi đây là nghề, thì mình phải kiếm được tiền từ nó, chứ còn những lời tung hô ảo thực ra là nghe cho nó vui thôi, nó không thể nuôi sống mình.

—Phạm Hồng Phước[1]

Phạm Hồng Phước sinh ngày 13 tháng 5 năm 1991[2] tại Thành phố Hồ Chí Minh[3] trong gia đình không ai làm nghệ thuật. Bố anh làm kinh doanh trong khi mẹ làm nội trợ. Mặc dù vậy, con đường nghệ thuật của anh vẫn nhận được sự ủng hộ từ gia đình.[4] Sau khi dừng bước ở Top 8 Vietnam Idol 2012,[5] Hồng Phước tham gia con đường ca hát chuyên nghiệp và ra mắt đĩa đơn "Mùa ta đã yêu", kết hợp cùng với Hương Giang.[6] Sau đó, anh và Hương Giang tiếp tục hợp tác ra mắt đĩa đơn tiếp theo mang tên "Trà chanh acoustic".[7] Bên cạnh các đĩa đơn trên, Phước còn ra mắt một số sản phẩm cá nhân như "Khi chúng ta già", "Khi người lớn cô đơn".[8] Cuối năm 2013, Phạm Hồng Phước ra mắt đĩa đơn "Giá có thể ôm ai và khóc". Đĩa đơn gồm ba track nhạc từ máy cassette. Bên cạnh đĩa đơn này, anh cũng phát hành song song video ca nhạc trên nền tảng YouTube.[9]

Năm 2014, Hồng Phước trình làng mini album "Sài Gòn bao nhiêu đèn đỏ" gồm ba ca khúc "Con đường Đừng Có Nhớ", "Sài Gòn bao nhiêu đèn đỏ" và "Gã ăn mày tình yêu". Album này được phát hành trong ấn bản đặc biệt của cuốn sách "Có những con đường mang tên Đừng Có Nhớ" do Tùng Leo chấp bút.[10] Ngày 8 tháng 1 năm 2015, Phạm Hồng Phước ra mắt album đầu tay mang tên "Tôi có nỗi buồn thật đẹp".[11] Album bao gồm 7 bài hát và 5 bài remix,[12] bao gồm những bài trong mini album phát hành trước đó.[13] Tất cả đều do anh sáng tác và thể hiện. Các nhạc sĩ Đỗ Hiếu, Đoàn Minh Vũ, Nguyễn Tùng đảm nhận khâu hòa âm phối khí. Kinh phí thực hiện album đều do Phạm Hồng Phước dùng tiền đi hát trong một năm để đầu tư.[13][14]

Cuối năm 2015, Phạm Hồng Phước ra mắt video ca nhạc "Cảm ơn người đã rời xa tôi", kết hợp với Suni Hạ Linh, lấy cảm hứng từ quyển sách cùng tên của tác giả Hà Thanh Phúc.[15][16][17] Không lâu sau đó, anh song ca cùng Thùy Chi trong đĩa đơn "Anh sẽ tốt mà".[18] Ca khúc soán ngôi "Vì tôi còn sống" của Tiên Tiên trên bảng xếp hạng Zing Mp3 và giữ vững vị trí này trong tuần tiếp theo.[19] Cùng thời gian này, Phạm Hồng Phước tiếp tục ra mắt đĩa đơn "Love me like your Facebook",[20][21][22] phiên bản solo của "Cảm ơn người đã rời xa tôi"[23] và video ca nhạc "Sau giờ về", đi kèm với phần vũ đạo có sự hỗ trợ của nhóm nhảy Nolza. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên anh thể hiện vũ đạo trong một sản phẩm âm nhạc.[24] Các đĩa đơn và video ca nhạc này sau đó đều được đưa vào album "Anh sẽ tốt mà". Album có 7 bài, trong đó có 6 ca khúc do chính Phước sáng tác, hợp tác cùng Mew Amazing. Album được gắn nhãn 18+.[25][26]

Đầu năm 2016, Phạm Hồng Phước kết hợp cùng Văn Mai Hương trong đĩa đơn "Thời thanh xuân sẽ qua". Bài hát do Phạm Hồng Phước sáng tác mang âm hưởng nhạc đồng quê, pha trộn giữa điệu vanxơ và điệu jazz. Theo Phước, sau khi hoàn thành ca khúc, anh đã gửi bản demo cho Văn Mai Hương và cô đồng ý rằng đây sẽ là đĩa đơn đầu tiên của họ trong năm.[27][28] Thời gian để cả hai thu âm hoàn chỉnh ca khúc là một tháng.[29] Tháng 7 năm 2016, Phạm Hồng Phước ra mắt bản thu âm bài hát "Việt Nam đi, hôn và yêu!".[30] Ca khúc được anh sáng tác trong vòng 3 tháng.[31] Đầu tháng 8 năm 2016, Phước tiếp tục ra mắt phiên bản video ca nhạc của bài hát.[32] Sau 1 tháng ra mắt, bài hát nhận được hơn 7 triệu lượt nghe.[33] Ca khúc sau đó lọt vào top 20 bài hát của năm tại lễ trao giải VPop 20 Awards 2016.[34] Tại chương trình Sing My Song năm 2016, anh giới thiệu các ca khúc mới là "Đã có anh hai"[35] và "Anh thích thích thích em".[36] Cuối năm, Phạm Hồng Phước kết hợp với Angela Phương Trinh trong ca khúc "Điều gì đến sẽ đến",[37][38] tiếp tục lấy cảm hứng từ quyển sách cùng tên của Hà Thanh Phúc.[39]

Đầu năm 2017, Phạm Hồng Phước ra mắt video clip cover bài hát nhạc phim Goblin dành tặng người hâm mộ nhân dịp Valentine.[40][41] Tháng 7 cùng năm, anh công bố đĩa đơn "Chuyện cũ của mẹ tôi". Đây cũng là một tác phẩm do chính ca sĩ này sáng tác.[42][43] Tháng 1 năm 2018, Phước công bố video ca nhạc "Tôi nói gì khi chia tay", lấy cảm hứng từ bộ phim Tâm trạng khi yêu của đạo diễn Vương Gia Vệ.[44][45] Năm 2019, sau khi ra mắt "Mưa chầm chậm thời 90s",[7] anh trình làng ca khúc "Anh có đang hiểu ý em không?". Đây là ca khúc đánh dấu bước chuyển từ một ca sĩ, nhạc sĩ sang nhà sản xuất âm nhạc của Phạm Hồng Phước.[46] Đầu năm 2020, Phạm Hồng Phước cho ra đời ca khúc "Mọi người che mặt sống", bàn về những vấn đề xã hội của Đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.[47] Tháng 5 cùng năm, Phước công bố video ca nhạc "Bong SroLanh Oun", với phần lời bằng tiếng Khmer.[48] Ca khúc được anh ấp ủ trong hơn 3 năm.[49][50]

Sự nghiệp điện ảnh

Cuối năm 2016, Phạm Hồng Phước tham gia dự án điện ảnh Đảo của dân ngụ cư của đạo diễn Hồng Ánh.[51][52] Trong phim, anh thủ vai Phước, sánh vai cùng với bạn diễn Ngọc Thanh Tâm.[53][54]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phạm Hồng Phước http://cand.com.vn/Giai-tri-van-hoa/Van-Mai-Huong-... http://cstc.cand.com.vn/Nhan-vat-hot/Hong-Phuoc-Id... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giai-tri/733776/pha... https://www.doisongphapluat.com/giai-tri/tin-tuc-g... https://vnexpress.net/bep-chay-cua-pham-hong-phuoc... https://vnexpress.net/hong-phuoc-im-lang-truoc-cao... https://vnexpress.net/pham-hong-phuoc-danh-cat-xe-... https://vnexpress.net/pham-hong-phuoc-hat-ve-tinh-... https://vnexpress.net/pham-hong-phuoc-khoe-vu-dao-... https://vnexpress.net/pham-hong-phuoc-ra-mv-lay-ca...